Hiểu như thế nào về chính sách bảo hiểm xã hội theo “mô hình đa tầng” trình Hội nghị Trung ương 7?
Ngày 20 tháng 04 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Hiểu như thế nào về chính sách bảo hiểm xã hội theo “mô hình đa tầng” trình Hội nghị Trung ương 7?

Đơn vị bảo hiểm ngoài nhà nước có thể thực hiện quỹ hưu trí bổ sung. Doanh nghiệp muốn thu hút lao động sẽ thương lượng với người lao động và đóng tiền vào quỹ này. Khi nghỉ hưu, người lao động vừa được hưởng lương hưu từ quỹ Bảo hiểm xã hội do Nhà nước vận hành, vừa được hưởng lương hưu do cơ quan bảo hiểm ngoài nhà nước chi trả.

Hệ thống hưu trí 3 tầng

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Đề án cải cách Bảo hiểm xã hội (BHXH) trình Hội nghị Trung ương 7 hướng tới việc thiết kế chính sách BHXH theo mô hình đa tầng. Cụ thể:

Tầng thứ nhất là lương hưu xã hội. Đây là cách gọi khác của trợ cấp tuổi già đang được Chính phủ thực hiện. Mức chi trả hiện tại là 270.000 đồng/người/tháng đối với những người trên 80 tuổi không có lương hưu, không có BHXH. Đề án cải cách sẽ tiếp tục duy trì tầng lương hưu xã hội.

Tầng thứ hai là BHXH do Nhà nước vận hành, BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Người lao động có thu nhập và tham gia BHXH để được hưởng tiền hưu trí, tử tuất. Đề án cải cách sẽ có các chính sách để hỗ trợ nông dân, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người làm việc trong khu vực phi kết cấu được hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, khuyến khích họ đóng góp một phần khi tham gia BHXH để tự bảo đảm cuộc sống cho mình.

Tầng thứ ba là hưu trí bổ sung. Doanh nghiệp muốn thu hút lao động, giữ người tinh hoa thì thương lượng với người lao động và đóng tiền vào quỹ hưu trí bổ sung. Quỹ này có thể do các cơ quan bảo hiểm ngoài nhà nước thực hiện. Khi người lao động nghỉ hưu, họ sẽ được nhận lương hưu từ quỹ của Nhà nước và lương hưu do cơ quan bảo hiểm ngoài nhà nước chi trả.

"Bảo hiểm xã hội đã được thiết kế các quyền lợi khá tốt, nhưng mức đóng cũng còn cao và doanh nghiệp coi đây là chi phí lớn. Cải cách nhằm mục tiêu mở rộng diện bao phủ, mức hưởng phù hợp, thay vì diện bao phủ hẹp nhưng mức hưởng lớn. Điều đó có nghĩa rằng, tỷ lệ đóng BHXH, mức đóng có thể theo hướng giảm dần. Còn doanh nghiệp muốn giữa chân người lao động thì có thể tham gia tầng hưu trí bổ sung. Cách làm này sẽ giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp" – ông Doãn Mậu Diệp giải thích.

Cùng với việc nâng tuổi nghỉ hưu, các khoản trợ cấp tuổi già, lương hưu xã hội sẽ dần giảm xuống. Theo ông Doãn Mậu Diệp, nếu áp dụng lộ trình phù hợp, cải cách sẽ tiến đến BHXH toàn dân. Lúc đó, mọi người đều có nguồn sống khi về già và không ai bị bỏ lại phía sau.

Bắt buộc người lao động nước ngoài tham gia BHXH để bảo vệ việc làm trong nước

Diện bao phủ BHXH ở Việt Nam hiện nay mới chỉ 29%, nhưng cần đạt mức 50% vào năm 2020. Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không có sự thay đổi về chính sách. Nhiều đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia lại không được quy định trong luật, như: người làm trong hợp tác xã, người kinh doanh tự do, người lao động nước ngoài,… Vì vậy, Đề án cải cách sẽ khuyến khích, bắt buộc những đối tương này phải tham gia BHXH.

"Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có tham gia BHXH không? Các nước họ đều yêu cầu lao động nước ngoài đóng BHXH để bảo vệ việc làm trong nước. Ví dụ: người lao động có mức lương là 15 triệu đồng/tháng. Nếu sử dụng lao động trong nước, doanh nghiệp bắt buộc phải đóng BHXH và số tiền chi trả hàng tháng cho lao động trong nước cao hơn mức 15 triệu đồng. Nếu người lao động nước ngoài không phải đóng BHXH thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng lao động nước ngoài. Như thế, việc làm trong nước sẽ không bảo vệ được. Bài toán về việc làm rất nhiều chiều, và tất yếu phải có cải cách BHXH để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó" – ông Doãn Mậu Diệp cho ví dụ.

Đồng thời, Đề án cải cách BHXH cũng có nội dung về nâng tuổi hưu. Thời điểm cách đây 1 thập kỷ, mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Con số hiện nay chỉ còn khoảng 1 triệu người. Bối cảnh già hóa dân số buộc chính sách phải tính tới việc nâng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian làm việc để có đủ nguồn lao động, tránh tái diễn tình trạng thiếu lao động như đã từng xảy ra tại các nước trải qua quá trình già hóa dân số.

Tại những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, người lao động thay đổi công việc, chuyển từ công việc này sang công việc khá phổ biến. Trong khí đó, người Nhật Bản vẫn làm việc sau tuổi 70. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam có thể chưa quen với những điều như vậy.

"Tất nhiên, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp. Cân nhắc điều chỉnh tuổi như thế nào để tránh sốc là điều cần thiết cho thị trường lao động. Nếu nâng đột ngột thì lực lượng lao động thanh niên bước vào thị trường lao động sẽ bị chững lại. Vì thế, điều tiết cho hợp lý là điều rất quan trọng và bài toán điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính đến nhiều yếu tố" – ông Doãn Mậu Diệp chia sẻ.

Mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Nhưng BHXH tính toán rằng, tuổi nghỉ hưu trung bình thực tế đối với nam giới chỉ là 54, đối với nữ là 51. Việc nâng tuổi nghỉ hưu theo Đề án cải cách BHXH là 60 đối với nữ và 62 đối với nam, các nhóm đặc thù sẽ được tăng hoặc giảm 5 tuổi. Có 2 phương án nâng tuổi hưu: Phương án 1,mỗi năm nâng thêm 3; Phương án 2, mỗi năm nâng thêm 4 tháng.

"Tiền lương của khu vực công đang thấp hơn so với khu vực ngoài nhà nước. Nếu nói rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu có lợi với khu vực công thì chưa hẳn. Bên cạnh Đề án cải chính sách tiền lương còn có Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước. Hiệu quả công việc chắn chắn sẽ phải nâng lên" – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định.

(theo Tri thức trẻ)