“Thời” và lợi ích đa chiều của bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Bảo hiểm hưu trí đã và đang thực sự là một giải pháp phúc lợi mới, hấp dẫn đối với Doanh nghiệp. Chương trình này đang nhận được nhiều khuyến khích của Nhà nước, từ chính sách đến các quy định thuận lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 1/7/2018 lực lượng lao động (LĐ) trong độ tuổi cả nước ước tính là 48,4 triệu người, tăng 539,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó LĐ nam 26,4 triệu người, chiếm 54,5%; LĐ khu vực thành thị là 16,2 triệu người, chiếm 33,5%; Tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2018 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,12%; Đặc biệt, tỷ lệ LĐ qua đào tạo chung 51,6%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở lên (có bằng cấp chứng chỉ) mới đạt khoảng 21,9%; tỷ lệ LĐ có chuyên môn và chất lượng cao thực sự còn thấp hơn nữa.
Số liệu từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến hết quý I/2018, cả nước có 13,68 triệu LĐ tham gia BHXH bắt buộc và 240 nghìn LĐ tham gia BHXH tự nguyện (tổng cộng chiếm khoảng 30% lực lượng LĐ trong độ tuổi); 11,8 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và 80,81 triệu người (86,1% dân số) tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo hãng kiểm toán Deloitte, đến năm 2020, mỗi LĐ sẽ trải qua trung bình 7 - 10 công ty, với các ngành nghề khác nhau trong suốt sự nghiệp của họ. Xu hướng dịch chuyển việc làm về các địa bàn, trung tâm công nghệ cao khiến lợi thế cạnh tranh ngày càng thuộc về những doanh nghiệp (DN) và quốc gia nào sở hữu những LĐ chất lượng cao, nhất là người tài. Đồng thời, cuộc chiến cạnh tranh thu hút và giữ chân người tài giữa các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô và tính chất sở hữu, cũng sẽ gia tăng áp lực.Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế thúc đẩy tự do hóa và xóa dần ranh giới giữa các thị trường LĐ, xuất hiện nhiều nghề nghiệp và cơ hội việc làm mới, cũng như làm gia tăng xu hướng “nhảy việc”, dịch chuyển chỗ làm nhiều hơn. Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015 đã cho phép LĐ có bằng cấp thuộc 8 ngành nghề (kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, bác sĩ, điều tra viên, du lịch...) được dịch chuyển tự do trong khối ASEAN.
Còn theo báo cáo khảo sát xu hướng nhân tài 2017 của Mercer và theo Hội đồng thẩm định giải thưởng Vietnam HR Awards 2018, thì sự thành công của một doanh nghiệp hiện đại ngày càng tùy thuộc vào sự thành công trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, với 3 điểm nhấn: Đáp ứng tư duy “Tôi/Chúng tôi khác biệt” đặc trưng cho thế hệ LĐ thời đại công nghiệp 4.0; Khả năng định vị và phát hiện nhân tài phù hợp trong một thị trường LĐ luôn khát nhân tài như Việt Nam; Tạo tiếng nói chung ở góc độ số hóa cách tư duy và xử lý công việc.
Những yếu tố trên cho thấy, việc tìm kiếm nhân tài trên thị trường lao động hiện nay khó có sự đột phá về chất lượng đã, đang và sẽ tiếp tục là nhiệm vụ nóng bỏng bảo đảm sự thành công cả trước mắt và lâu dài của DN. Đồng thời, việc hứa hẹn đóng bảo hiểm hưu trí cho người LĐ trong bối cảnh tỷ lệ người LĐ có bảo hiểm còn thấp như ở Việt Nam tiếp tục là “đặc sản” và lợi thế để DN chiến thắng trong cuộc chiến “săn đầu người” của thời đại công nghiệp 4.0…
Về đặc tính xã hội, người Việt Nam có tính lo xa, luôn coi việc đủ tiền an tâm dưỡng già là thước đo sự thành công và mục đích phấn đấu tự thân của mỗi đời người. Thực tế cũng cho thấy, như “nước chảy chỗ trũng”, người LĐ nói chung, người tài nói riêng ngày càng mong và đòi hỏi nhận được cho sự cống hiến của mình không chỉ là tiền lương, lợi tức cổ phần, điều kiện thiết bị làm việc và cơ hội phát huy khả năng, sự thăng tiến cá nhân, mà còn là các phúc lợi đa dạng khác, như phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại, quà tặng sinh nhật, thời gian nghỉ giữa giờ và ngày phép, công tác phí và các khóa đào tạo, du lịch, các bữa ăn miễn phí, các lớp học thể dục, giải trí do công ty đài thọ.
Đặc biệt, với nhiều người LĐ, bên cạnh các chế độ phúc lợi hiện tại, họ mong muốn tiếp tục nhận được nguồn thu nhập ổn định, đáp ứng nhu cầu tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu. Bởi lẽ, đây là giai đoạn thiếu hụt tài chính của phần lớn người LĐ, nếu chỉ phụ thuộc vào lương từ BHXH sẽ khó đảm bảo chất lượng cuộc sống. Bảo hiểm hưu trí đang dần được nhìn nhận là một giải pháp tối ưu cho sự thiếu hụt này và dần trở thành hình thức phúc lợi hấp dẫn, đang được cung cấp bởi các Tập đoàn bảo hiểm uy tín hàng đầu, trong đó, Công ty bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam đang là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trên thị trường. Hướng đi đúng đắn của bảo hiểm hưu trí tự nguyện được quyết định bởi nhiều yếu tố:
Thứ nhất, do cơ chế “đóng-hưởng” nên người LĐ và Doanh nghiệp có thể thỏa thuận mức đóng góp để đạt được quyền lợi hưu trí sau khi nghỉ hưu theo mong muốn, mà không bị ràng buộc mức đóng cố định và thời gian đóng tối thiểu. Thậm chí, đối với những người LĐ không có mức lương cao hoặc bị gián đoạn do chuyển việc thì vẫn có thể nhận quyền lợi hưu trí tốt nếu tự xây dựng và đóng góp cho kế hoạch hưu trí của mình.
Thứ hai, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí ngày càng được cải thiện theo hướng đa dạng hóa và chuyển giao linh hoạt, mang tính dài hạn, mức hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người LĐ cao, được cung cấp với dịch vụ có chất lượng tốt nhất, giúp bảo vệ quyền lợi và tạo nền tảng vật chất vững chắc để người LĐ yên tâm công tác.
Thứ ba, Thông tư số 115/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam được đánh giá là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển loại hình bảo hiểm hưu trí. Đây là sản phẩm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Doanh nghiệp sẽ thuận lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động (được đưa vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 36 triệu đồng/năm/người lao động, trong khi đó, người lao động sẽ được khấu trừ khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân lên đến 12 triệu đồng/năm.
BHXH là quyền lợi quan trọng của người LĐ và là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Bảo hiểm hưu trí đang “gặp thời” và sẽ ngày càng lên ngôi, cần cho cả người LĐ và doanh nghiệp nhờ lợi ích đa chiều của mình. Nói cách khác, sự đánh giá, trọng dụng đúng năng lực và thành tích cá nhân, tạo lập môi trường làm việc nhân văn, thân thiện, cùng chính sách phúc lợi, nhất là Bảo hiểm hưu trí đáp ứng các nhu cầu cá nhân một cách toàn diện hơn đối với người LĐ của doanh nghiệp ngày càng trở thành yếu tố quan trọng định hướng, hấp dẫn và trở thành cái “neo” nặng ký giữ chân nhân tài tìm đến và ở lại, gắn bó và dốc sức cống hiến hết mình, lâu dài với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.Dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về chương trình bảo hiểm hưu trí, đại diện của Sun Life Việt Nam cho biết “Bảo hiểm hưu trí đã và đang thực sự là một giải pháp phúc lợi mới, hấp dẫn đối với Doanh nghiệp, bởi lẽ, chương trình đang nhận được nhiều khuyến khích của Nhà nước, từ chính sách đến các quy định thuận lợi về thuế TNDN. Bên cạnh đó, xuất phát từ quan điểm thờ ơ, hoài nghi, hiện nay, người LĐ đã có nhìn nhận sâu sắc và đúng đắn hơn về chương trình, họ coi bảo hiểm hưu trí thực sự là giải pháp tài chính hiệu quả cho giai đoạn sau khi nghỉ hưu bởi tính tích lũy dài lâu và có kỷ luật của chương trình”.