Đóng bảo hiểm 28 năm chỉ đủ trả lương hưu 8 năm
Ngày 12 tháng 09 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Đóng bảo hiểm 28 năm chỉ đủ trả lương hưu 8 năm

Đại diện ngành bảo hiểm cho rằng để cân đối quỹ, cần giảm tỷ lệ hưởng hoặc tăng mức đóng góp. Tình trạng nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng đang và sẽ là một gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Nhận định trên được ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/11.

Hiện tuổi hưu trung bình là 54,1 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi (so với quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (so với quy định là 55 tuổi). Trong khi đó, theo ông, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu hiện nay là 78,8 tuổi. Như vậy, thời gian hưởng trung bình của mỗi người vào khoảng 24,7 năm.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, tiền đóng bảo hiểm xã hội trong 28 năm chỉ đủ trả trong vòng 8 năm.

"Vậy ai sẽ chịu "gánh nặng" khi thời gian hưởng trung bình là 24,7 năm?", ông đặt câu hỏi. Trong khi đó, theo ông Giang, nguyên tắc định phí bảo hiểm xã hội là để hưởng 20 năm, người lao động phải đóng trong 40 năm. 

Đặt trong sự so sánh với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia..., ông Giang cho rằng hiện nay tỷ lệ giữa tổng mức hưởng trên tổng mức đóng của Việt Nam là quá cao. Cụ thể tổng mức đóng hiện vào khoảng 22% nhưng hưởng tới 75%.  Vì thế, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng để cân đối quỹ đòi hỏi phải giảm tỷ lệ hưởng hoặc tăng mức đóng góp, kéo dài thời gian lao động.

Ông cũng cho biết, dân số cao tuổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới. Dự báo dân số cho thấy, trong giai đoạn 2009-2049, tỷ lệ dân số nghỉ hưu (tính theo quy định hiện hành) sẽ tăng từ mức 10% lên trên 20%. 

"Mô hình bảo hiểm xã hội đơn tầng, quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng hưu trí 20 năm là quá dài, công thức tính lương hưu chưa thể hiện sự chia sẻ, thời gian đóng ngắn nhưng hưởng dài...", ông Giang cho hay.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.

“Nhiều nước cải cách bảo hiểm xã hội thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại và trở thành gánh nặng lớn cho hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, kể các các nước đã phát triển thuộc khối OECD. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể kinh nghiệm các nước và điều kiện áp dụng để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công”, Phó thủ tướng nói.

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha, Chuyên gia An sinh Xã hội, khu vực Đông, Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cũng đề xuất 4 phương án để cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, trong đó ở giải pháp nào cũng cần tăng tuổi nghỉ hưu. Một là, tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo ông với phương án này cần thực hiện từng bước, mỗi năm tăng một tuổi và bắt đầu từ năm 2018. 

Phương án hai là tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ tích lũy hằng năm là 1,5% cho một năm đóng góp trong 40 năm chuyển đổi.

Phương án thứ ba là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ mỗi năm đóng bảo hiểm được cộng thêm 1% lương bảo hiểm, cùng với đó là áp dụng hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu khu vực công cộng.

Phương án thứ tư là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng chế độ hưu trí có định mức đóng định danh (NDC) và hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu ở khu vực công. Ông cũng đề xuất Chính phủ xây dựng một chương trình bảo hiểm tự nguyện dành cho những người muốn bảo vệ tốt hơn và có khả năng đóng góp ở mức cao. 

Ông Đặng Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, trong quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam, chỉ có nhóm quỹ hưu trí và tử tuất có thể vỡ. Còn những quỹ với các khoản bảo hiểm khác tương đối ổn định và có thể tích lũy trong tương lai. 

Ông cũng chỉ ra bất cập dẫn đến nguy cơ này là sự mất cân đối giữa đóng và hưởng.  “Không nước nào áp dụng mức đóng 22% nhưng lại hưởng đến 75%”, ông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cần phải thay đổi nhưng phải triển khai từng bước, phải xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, lấy mảng nọ bù mảng kia. 

Phương án tăng tuổi hưu cũng là một trong những đề xuất được chuyên gia này đề xuất. Theo ông, việc điều chỉnh tăng tuổi hưu khiến một số người e ngại sẽ mất cơ hội việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đó không đáng ngại bởi 2 nhóm tuổi có sự khác nhau về ngành nghề, cơ cấu trong lao động…. 

Ông cũng đề xuất thành lập nhóm chuyên gia sâu thường xuyên định kỳ phân tích tình hình tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí. Ông cho rằng, trước đây, cứ vài năm, thậm chí tới chục năm mới được đánh giá một lần, nhưng như thế là quá lâu và cần phải được tiến hành thường xuyên hơn.

Ông Nguyễn Văn Linh, Giảng viên Khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hiện xu hướng thế giới bảo hiểm xã hội và thương mại đang có xu hướng xích lại gần nhau. Tại Việt Nam đến nay có 6 doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia bảo hiểm hưu trí với gần 2 triệu hợp đồng. Do đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc mở rộng diện bao phủ của loại hình tự nguyện. 

Tuy nhiên, theo ông, hiện mô hình tổ chức của bảo hiểm xã hội còn bất cập, chỉ có mạng lưới cấp trung ương, tỉnh, thị trấn nhưng xã phường không có. Trong khi đó, mạng lưới tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm thương mại đi đến tận các xã, phường. Ông dẫn chứng, toàn ngành bảo hiểm xã hội hiện có 21.000 người nhưng riêng một doanh nghiệp bảo hiểm thương mại hiện có 35.000 đại lý. 

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, việc tăng biên chế trong bối cảnh hiện nay là không thể. Ông cho rằng, ở mỗi xã, phường nếu có thêm một cán bộ bảo hiểm cũng đồng nghĩa số người vào biên chế sẽ tăng khoảng 12.000 người, gây gánh nặng cho ngân sách. Do đó, theo ông nên cải cách theo mô hình tổng đại lý ở cấp tỉnh và cho họ quyền quyết định tuyển dụng nhân sự, chỉ tiêu kinh doanh…

Theo VnExpress