Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam – Giải pháp và thách thức
(Xây dựng) – Sáng 21/8, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề Thị trường Vốn – Tài chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn, tài chính Việt Nam - Giải pháp và thách thức” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Báo VnExpress tổ chức.
Diễn đàn có sự tham gia chủ trì và điều phối thảo luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài chính ông Huỳnh Quang Hải và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện các Bộ, ban, ngành khác. Ngoài ra, tham dự Diễn đàn còn có gần 500 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan.
Diễn đàn đặt ra mục tiêu đi sâu thảo luận, đánh giá các vấn đề tồn tại của thị trường vốn, tài chính nội địa và giải pháp tái cơ cấu thị trường này; đồng thời thảo luận, bàn và tìm kiếm các giải pháp tạo dựng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Diễn đàn có 2 phiên bàn tròn về các chủ đề chính: “Tái cấu trúc thị trường vốn và tài chính Việt Nam - Từ thực tiễn tới chính sách” và “Giải pháp mở rộng thị trường vốn dài hạn cho Việt Nam”. Những giải pháp được đề xuất, đồng thuận tại diễn đàn sẽ được tổng hợp, báo cáo, trình lên Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 12 tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực; đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… còn hạn chế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng. Tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỷ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững. Thị trường vốn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, thị trường tín dụng phát triển thiếu tính ổn định. Hệ thống luân chuyển dòng vốn cũng chưa hiệu quả, thể hiện qua sự bất hợp lý trong việc phân bổ nguồn lực giữa các ngành kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cơ cấu tài chính nội địa còn nhiều hạn chế là do khung pháp lý vẫn còn bất cập và có độ trễ so với xu hướng cũng như tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính. Đây là vấn đề cần trao đổi, thảo luận để tìm kiếm giải pháp căn cơ, thấu đáo.
Phó Thủ tướng mong muốn, các diễn giả đánh giá “sức khỏe” các chủ thể tham gia thị trường vốn, thị trường tài chính bởi đây là điều đang khiến Chính phủ băn khoăn. Bởi lẽ, theo con số từ Tổng cục Thống kê, tính đến 31/2/2016, có đến 53% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam không có lợi nhuận. Tỷ lệ này đã có bước tiến so với những năm trước nhưng vẫn còn thiếu khả quan. Tỷ lệ 53% doanh nghiệp không có lời phải chăng là do vốn mỏng gây nên? Nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, dự án đầu tư có vốn chủ sở hữu thấp, do đó chi phí tài chính rất cao. Vậy giải pháp sắp tới là gì?
Phó Thủ tướng cũng đề nghị: Các diễn giả đánh giá thực trạng phát triển thị trường vốn hiện nay và điểm nghẽn là gì? Hiện có sự mất cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng lại có sự mất cân đối. Nhiều ngân hàng thương mại hoạt động dựa trên nền tảng tín dụng, các dịch vụ gia tăng khác còn thấp.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (gọi tắt là Ban IV) có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, tham mưu cho Thủ tướng một số nội dung trọng tâm để phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt tập trung vào một số ngành mũi nhọn. Trong năm 2018 Ban IV với sự phối hợp tổ chức của Báo VnExpress sẽ vận hành lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF) để thúc đẩy hiệu quả các kênh đối thoại công - tư cùng các thảo luận bàn tròn về chiến lược kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu của ViEF là giúp Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương, khu vực tư nhân và các chủ thể khác của nền kinh tế có sự tập trung cao nhất về nguồn lực (gồm cả trí lực, vật lực) để hoạch định các chiến lược, chính sách kinh tế cũng như theo dõi, đánh giá thường xuyên hiệu quả thực thi. Phiên toàn thể ViEF 2018 do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại cùng khu vực tư nhân và các bên liên quan dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018.