Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng
(Webbaohiem) – Theo báo cáo mới nhất của Milliman (nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ actuary hàng đầu thế giới), quy mô giá trị thị trường (EV)* của các công ty bảo hiểm châu Á tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2017, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Các công ty bảo hiểm tại Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh giá trị khai thác mới, trong đó một số công ty có mức tăng trưởng hơn 50%, chủ yếu nhờ thành công của hoạt động khai thác mới. Đồng thời hầu hết các công ty đều ghi nhận gia tăng biên lợi nhuận từ hoạt động này.
Theo ông Paul Sinnott, chuyên gia actuary chính tại Milliman: “Những diễn biến tích cực của các thị trường chứng khoán châu Á và sự gia tăng suất sinh lời khiến cho EV của các công ty bảo hiểm nhân thọ trong khu vực không ngừng tăng lên”.
“Những điều kiện kinh tế thuận lợi này cùng với các chiến lược sản phẩm phù hợp và năng suất của kênh phân phối nâng cao tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu phí, lợi nhuận cũng như toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại châu Á”.
Milliman nhận định, các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm tiếp tục có ảnh hưởng tích cực tới ngành bảo hiểm nhân thọ, điển hình là việc nâng cao kết quả đầu tư bảo hiểm và hiệu quả của các sản phẩm liên kết đơn vị và các sản phẩm tham gia chia cổ tức. Trong khi đó, tác động của việc thay đổi suất sinh lời trái phiếu phụ thuộc vào phương pháp tính EV được sử dụng, các giả định đầu vào và loại hình sản phẩm bán ra thị trường.
Trong số các công ty bảo hiểm lớn của châu Á, Ping An là hãng có quy mô EV gia tăng mạnh nhất (16% ở cấp độ Tập đoàn và 24% ở cấp độ công ty con về bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe), China Taiping (12% ở cấp độ Tập đoàn và 14% ở cấp độ công ty con về bảo hiểm nhân thọ), và AIA Hồng Kông (12%).
Đối với AIA, kết quả tăng trưởng mạnh về EV trong một số lĩnh vực hoạt động một phần là nhờ những điều kiện thuận lợi của thị trường vốn – do thị trường chứng khoán Hồng Kông có tốc độ tăng điểm dẫn đầu châu Á, đạt tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất trong vòng gần 1 thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, giá trị khai thác mới của AIA đạt tỷ lệ tăng trưởng tới 40%, chủ yếu nhờ kết quả kinh doanh ngoạn mục của kênh phân phối đại lý và đối tác, đặc biệt là tại Hồng Kông – nơi các thỏa thuận bancassurance chiến lược giữa AIA và Citi đóng góp 56% cho tăng trưởng.
Về phần Ping An, hoạt động khai thác mới cũng là động lực chính khiến EV tăng cao. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm năm đầu tăng tới 33,6% – chủ yếu nhờ tăng quy mô đội ngũ đại lý (với hơn 1,3 triệu người) và cải thiện năng suất hoạt động của kênh này.
Tăng trưởng EV của China Taiping cũng có nguyên nhân không ngoài doanh thu khai thác mới, đồng thời một phần quan trọng là nhờ việc tập trung vào việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe dài hạn. Số lượng đại lý của hãng trong nửa đầu năm 2017 đã tăng lên 50%.
Tại Ấn Độ, ngày càng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng EV làm thước đo giá trị. Trong đó, tất cả các công ty đã niêm yết hoặc đang trong quá trình niêm yết đều sử dụng công cụ này. ICICI Prudential là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên niêm yết trên sàn vào tháng 9/2016. Tiếp đó là SBI Life vào hồi đầu tháng 10. HDFC Life dự kiến cũng sớm niêm yết trong thời gian tới và PNB MetLife sẽ là công ty niêm yết thứ tư.
Tuy nhiên, những công ty niêm yết đầu tiên này đang tạo ra tiền lệ về mức giá trị doanh nghiệp rất cao. Cụ thể, ICICI Prudential có số nhân EV tại thời điểm 31/3/2017 là 3,4 và số nhân doanh thu khai thác mới xấp xỉ 58; SBI Life niêm yết với số nhân EV ở mức 4,2 và số nhân doanh thu khai thác mới xấp xỉ 52.
Dẫu vậy, trong thời gian tới, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi xem liệu các doanh nghiệp niêm yết sau này có tiếp tục duy trì được EV cao hay không, hay việc gia tăng nguồn cung sẽ làm giảm mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng chi trả cho các công ty trên sàn.
(Người dịch: Huyền My).
(*) Ghi chú: Quy mô giá trị thị trường (Embedded value) của công ty bảo hiểm nhân thọ là giá trị hiện tại của các khoản lợi nhuận tương lai cộng với khoản điều chỉnh giá trị tài sảnthuần. Đây là một thuật ngữ được sử dụng trong khoa học actuary để định giá doanh nghiệp bảo hiểm.