Loay hoay định nghĩa lương tối thiểu
Ngày 12 tháng 09 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Loay hoay định nghĩa lương tối thiểu

Bộ Luật Lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, xác định thế nào là nhu cầu sống tối thiểu không dễ và điều này cũng khiến việc xác định lương tối thiểu còn “loay hoay”…

Bộ Luật Lao động hiện hành quy định mức lương tối thiểu (LTT) phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu không đơn giản và đang gây nhiều tranh cãi về phương pháp tính, căn cứ tính.

Khó xác định nhu cầu sống tối thiểu

Một cách tính nhu cầu sống tối thiểu là dựa vào hệ thống nhu cầu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, phương pháp này liên quan tới cách tính khẩu phần ăn (do chưa tính tới chất lượng dinh dưỡng của khẩu phần ăn) hay việc xác định chi phí phi lương thực thực phẩm (do không nêu ra được đâu là mức tối thiểu hoặc phù hợp của các mặt hàng phi lương thực thực phẩm bao gồm nhà ở, y tế, giáo dục, giao thông…).

Theo Bộ Luật Lao động, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ chỉ là một trong ba căn cứ để xác định mức LTT vùng. Theo đó, mức LTT vùng còn phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Trên thực tế, việc xác định hai yếu tố này cũng chưa được lượng hóa cụ thể dẫn đến việc điều chỉnh mức LTT vùng còn rất khó khăn, chưa thống nhất. Hội đồng tiền lương quốc gia cũng nhấn mạnh việc xác định, điều chỉnh mức LTT vùng phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm, thất nghiệp của NLĐ mà không nhấn mạnh một căn cứ duy nhất là bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Còn các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần tăng tính minh bạch trong việc tính toán mức tăng LTT. Ngoài ra cần tăng LTT theo lộ trình, không chỉ căn cứ trên nhu cầu của NLĐ mà còn trên tình hình phát triển của DN và nền kinh tế. Việc tăng LTT vùng hàng năm khiến cho DN phải điều chỉnh theo rất nhiều loại chi phí, đặc biệt là các khoản nộp, trích nộp theo lương, và các khoản phụ cấp, thưởng, nên gây tốn kém về mặt chi phí về tài chính và lao động.

Doanh nghiệp lách luật để tiết kiệm chi phí lao động

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, định nghĩa về kết cấu tiền lương theo Điều 90 của Bộ Luật Lao động và các hướng dẫn về mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác đã làm các DN, NLĐ và các cơ quan lúng túng trong việc áp dụng. Dường như trên thực tiễn đang có cách hiểu về tiền lương khác xa so với tinh thần của Bộ luật Lao động.

Mặc dù Điều 90 đã hướng dẫn tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ để thực hiện công việc, nghĩa là tất cả các khoản tiền mà NLĐ nhận được, là tổng thu nhập. Tuy nhiên trên thực tế, cả DN và NLĐ đang hiểu và áp dụng theo hướng đó không phải là thu nhập của NLĐ mà chỉ là một phần thu nhập. Điều này phản ánh khá rõ khi qua báo cáo các địa phương cho thấy đa số DN đang tồn tại 3 loại lương: Lương tham gia BHXH và giải quyết chế độ chính sách; lương để quyết toán thuế; lương thực chi cho NLĐ.

Loay hoay định nghĩa lương tối thiểu - Ảnh 1.

31% người lao động phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm

Trong đó, tiền lương tham gia BHXH cho NLĐ luôn "loanh quanh" cao hơn không đáng kể so với tiền LTT. Sở dĩ có hiện tượng này vì các DN "cố tình" lách luật để tiết kiệm chi phí lao động. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương mà còn ảnh hưởng đến mục đích, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. 

Đặc biệt là về chế độ hưu trí, do nền tiền lương đóng thấp nên lương hưu hưởng thấp. Bên cạnh đó, số lượng DN xây dựng và gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý về lao động tại địa phương còn rất thấp so với số DN đang hoạt động. Nhiều DN xây dựng thang bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH. Một số DN quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hàng tháng, quý, năm rất phức tạp, khó khăn cho NLĐ và tập thể lao động thụ hưởng, theo dõi và giám sát thực hiện.

31% NLĐ phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm

Theo khảo sát với 1.600 NLĐ tại 60 DN do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện cho biết: 20% trả lời thu nhập không thể đủ cho cuộc sống; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm; 41% có mức lương chỉ đủ để trang trải các nhu cầu cuộc sống của họ; và chỉ có 8,0% có khả năng để tiết kiệm.

Từ thực tiễn thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người khảo sát thường có xu hướng kê khai cao hơn so với nhu cầu thật của họ. Ngoài ra nhu cầu sống của người khảo sát có sự chênh lệch khác biệt đối với mỗi đối tượng khảo sát (nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần). Trong khi đó, các khảo sát về mức sống của người dân, hộ gia đình thường dễ xác định và đưa ra kết quả tin cậy hơn cho việc định lượng mức sống tối thiểu của một người, do có thể định lượng dựa vào giá thị trường các vật dụng thiết yếu, giá các dịch vụ cơ bản như: nhu yếu phẩm thiết yếu (ăn, uống,..), dịch vụ thiết yếu (điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, nhà ở, thuê nhà ở..), dịch vụ y tế cơ bản...

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định mức LTT theo hướng đảm bảo "mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ". Đồng thời, sẽ quy định các tiêu chí để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định tiền LTT gồm: Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; Chi phí sinh hoạt; Khả năng chi trả của người sử dụng lao động; Điều kiện kinh tế - xã hội; năng suất lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của DN, việc làm và thất nghiệp của NLĐ. Bộ LĐ-TB-XH nhận định, đây là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế và xã hội.


Việc xác định LTT còn "loay hoay" Để tìm ra các tính LTT phù hợp, trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất 3 phương án. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên chính sách hiện tại, bao gồm duy trì mức lương tối thiểu được tính trên nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Phương án 2 là thay đổi cơ sở xác định LTT từ yếu tố nhu cầu sống tối thiểu sang mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Phương án 3 quy định rõ các yếu tố của mức lương tối thiểu để làm cơ sở xác định LTT, bao gồm: Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; giá tiêu dùng; và điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động; tình hình sản xuất kinh doanh của DN; việc làm và thất nghiệp của NLĐ.

Phương án 3 là giải pháp dung hòa giữa phương án 1 và phương án 2 nên được khuyến nghị lựa chọn. Phương án này đưa ra những yếu tố rõ ràng hơn về cách tính LTT để bảo đảm công bằng cho NLĐ và người sử dụng lao động. Đồng thời quy định thẩm quyền sửa đổi cách tính LTT thuộc về Quốc hội.


Phương Thảo - Nguyễn Lực (báo Pháp luật và Xã hội)