Lương hưu và các chế độ liên quan còn nhiều bất cập
Các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng, Bảo hiểm Xã hội qua nhiều lần sửa đổi nhưng chính sách vẫn tiếp tục chứa đựng những yếu tố của cơ chế bao cấp.
Bảo hiểm Xã hội cần có sự đổi mới, cải cách nhiều về mặt quản lý, luật, tổ chức thực hiện để cáo cáo lên Hội nghị Trung ương 7. Đây là nội dung thảo luận tại tọa đàm Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách Bảo hiểm Xã hội Việt Nam do Bộ Lao động, thương binh và Xã hội tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng, Bảo hiểm Xã hội qua nhiều lần sửa đổi nhưng chính sách vẫn tiếp tục chứa đựng những yếu tố của cơ chế bao cấp, ví dụ như: tỉ lệ hưởng lương hưu quá hào phóng với mức tối đa là 75% dẫn đến mất cân đối giữa đóng và hưởng, điều kiện hưởng chế độ hưu trí quá cao làm giảm động lực tham gia; đặc biệt là thiếu cơ chế thưởng – phạt đối với các trường hợp nghỉ hưu sau và trước độ tuổi nghỉ hưu theo luật định.
Tọa đàm Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan Bảo hiểm Xã hội địa phương thì mờ nhạt, khi các đối tượng tham gia bảo hiểm rút hồ sơ cũng không có sự tác động nào để thu hút. Tại TP Đà Nẵng, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm Xã hội không thể áp dụng được vì khi giải quyết hồ sơ qua tòa án, tòa yêu cầu tất cả người lao động có đơn lên công đoàn cấp trên. Trong khi đó, công đoàn cơ sở lại không đứng ra khởi kiện, vì chủ tịch công đoàn cơ sở không muốn đứng ra kêu gọi khởi kiện ảnh hưởng đến việc làm công ăn lương của cá nhân.
Các đại biểu cũng trăn trở vì hiện nay, nhiều nghị định chưa rõ ràng, khiến cho việc thực hiện gặp khó khăn, ví dụ như số bệnh nghề nghiệp đã tăng hơn 300 nghề nghiệp, nhưng chưa có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm của đơn vị y tế, luật cũng không cụ thể áp dụng thanh toán bao nhiêu bệnh mới…
Từ nhiều vướng mắc, tồn tại, một số đại diện cơ quan Bảo hiểm Xã hội địa phương đề xuất cần sửa quy định kéo dài thời gian nhận bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc từ sau 12 tháng tăng lên 36 tháng, 72 tháng và có một thời điểm chấm dứt hẳn việc nhận trợ cấp Bảo hiểm Xã hội 1 lần; cho phép những người đang tham gia Bảo hiểm Xã hội mà trước đó đã hưởng bảo hiểm 1 lần được trả lại tiền để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm.
Theo Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chế độ quy định Bảo hiểm Xã hội còn nhiều điều không hợp lý, năng lực tổ chức thực hiện kém... Vấn đề đặt ra là phải đổi mới về mục tiêu, mô hình và cả về công tác quản lý: "Lần này chúng ta làm đề án để báo cáo ở Hội nghị Trung ương 7, để mong muốn có 1 Nghị quyết của Trung ương Đảng về Bảo hiểm Xã hội và trên nền nghị quyết này sẽ triển khai được nhiều chính sách, kể cả sửa luật nếu cần thiết./.
Kim Dung/VOV-TP.HCM