NLĐ nước ngoài đóng BHXH bắt buộc ra sao?
Ngày 12 tháng 09 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

NLĐ nước ngoài đóng BHXH bắt buộc ra sao?

(NLĐO)- Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chính sách đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) nước ngoài, Báo Người Lao động giới thiệu chi tiết nội dung Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về Luật BHXH và Luật AT-VSLĐ về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Về đối tượng áp dụng:

1. NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Việt Nam.

2. NLĐ quy định tại Điểm 1 không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, khi thuộc một trong các trường hợp sau: a- Di chuyển trong nội bộ DN theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; b- NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Điều 187 của Bộ Luật Lao động.

3. NSDLĐ tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, NSDLĐ theo HĐLĐ.

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài.

Theo Nghị định, NLĐ quy định tại Điểm 1 ở trên sẽ thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; BH TNLĐ-BNN; hưu trí và tử tuất. Chế độ BHXH bắt buộc đối với NLĐ quy định tại Điểm 1 tính trên thời gian NLĐ tham gia BHXH theo quy định.

Trong đó, về chế độ ốm đau, Nghị định quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật BHXH. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật BHXH. Mức hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật BHXH.

Đối với chế độ thai sản, Nghị định quy định lao động nữ sinh con, NLĐ nhận nuôi con nuôi được trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 của Luật BHXH. Mức hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật BHXH. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật BHXH.

Về chế độ BH TNLĐ-BNN, Nghị định quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật ATVSLĐ. Điều kiện hưởng chế độ BNN thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật ATVSLĐ. Mức hưởng chế độ BH TNLĐ-BNN như sau: Trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật ATVSLĐ; trợ cấp hàng tháng thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 6, Điều 49 của Luật ATVSLĐ.

Trợ cấp khi NLĐ chết do TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật ATVSLĐ và Điều 10 của Nghị định này. Nghị định quy định rõ chế độ BH TNLĐ-BNN đối với NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều người SDLĐ thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về BH TNLĐ-BNN bắt buộc.

Nghị định cũng định rõ chế độ hưu trí. Theo quy định, mức lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 của Luật BHXH và Khoản 1 và Khoản 2, Điều 7 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật BHXH.

Các trường hợp hưởng BHXH một lần gồm: 

1- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

2- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

3- NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; 4- NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

Từ ngày 1-1-2022, NLĐ quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này sẽ không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đối với NSDLĐ quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ như sau: a- 3% vào quỹ ốm đau thai sản; b- 0,5% và quỹ BH TNLĐ-BNN; c- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1/1/2022…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2018.

(Theo K.An)