Rối như… thủ tục BHXH!
Ngày 22 tháng 12 năm 2024
Điện thoại: (024) 3765 8899

Rối như… thủ tục BHXH!

Nhiều quy định trong chính sách BHXH không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người lao động

Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp (DN) và chính quyền TP HCM tổ chức mới đây, nhiều bất cập liên quan đến thủ tục và chế độ BHXH được các DN đặt ra. Vướng mắc phát sinh từ các quy định mới trong quá trình rà soát, trả sổ cho người lao động (NLĐ), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và nhiều vấn đề mới chưa được cập nhật.

Chậm cập nhật danh mục nặng nhọc, độc hại

Theo đại diện Công ty Huy Tuấn, DN này hoạt động ngành nghề dệt may. Một số chức danh ngành nghề nặng nhọc, độc hại được DN áp dụng cho NLĐ nhưng lại không có trong danh mục nặng nhọc, độc hại của ngành dệt may theo quy định. Đơn cử, vận hành lò hơi hay vận hành hệ thống xử lý nước thải thì trong ngành hóa chất hay sản xuất giấy mới có quy định, còn ngành dệt may lại không có để xét các chế độ cho NLĐ.

Đại diện Công ty Chăn nuôi và Thực phẩm chế biến Sài Gòn cũng bức xúc: "Trước đây, người ta gọi đơn giản là nuôi heo, nuôi gà, được tính là sản xuất nông nghiệp. Càng về sau, các vấn đề môi trường càng quan trọng, đặc biệt là công đoạn xử lý phân heo rất độc hại với công nhân. Chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, công nhân bức xúc rất nhiều".

Rối như… thủ tục BHXH! - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp nêu những bất cập trong chính sách BHXH

Trả lời những thắc mắc này, lãnh đạo BHXH TP HCM cho biết theo quy định, DN phải ghi đúng chức danh ngành nghề nặng nhọc, độc hại trong danh mục thì mới được ghi nhận và sau này mới được giải quyết chế độ. Nếu không, BHXH không có cơ sở để giải quyết. Danh mục này do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Trong khi chờ cập nhật, các đơn vị vẫn phải ghi đúng tên chức danh công việc.

Luẩn quẩn cắt thẻ BHYT

Một bất cập khác được nêu ra là việc chồng chéo trong thủ tục cắt giảm BHYT với những lao động đã tham gia BHYT hộ gia đình. Theo đó, khi NLĐ vào làm việc trong khu vực phải tham gia BHYT bắt buộc thì cơ quan BHXH cho rằng trường hợp này bị trùng, không thể cấp thêm thẻ, phải quay lại địa phương cắt giảm BHYT hộ gia đình đã đóng. Điều trớ trêu là khi quay về địa phương thì nơi đây lại yêu cầu phải có thẻ BHYT bắt buộc mới cắt được.

Bà Phan Thị Sương, đại diện một DN ô tô, nhận định: "Việc ấy như cái vòng luẩn quẩn, phải có cái này mới có cái kia nhưng phải có cái kia mới có cái này. NLĐ vẫn đóng tiền BHYT hằng tháng nhưng không đi khám bệnh được. Nhiều người ở xa, đi lại rất khó khăn".

Theo lý giải của đại diện cơ quan BHXH TP HCM, nguyên nhân là do hệ thống quản lý của BHXH khi phát hiện đóng trùng BHYT sẽ khóa lại, không cho cấp mới thẻ chứ không phải BHXH gây khó. Đến nay, BHXH TP đã cho phép các đơn vị tại TP HCM chỉ cần có hợp đồng lao động là được cắt thẻ cũ song một số nơi vẫn máy móc, đòi phải có thẻ mới rồi mới cắt thẻ cũ.

Tự té xe trên đường đi làm thì bó tay!

Trình bày thắc mắc của mình, bà Thái Ngọc Tuấn, Công ty Dịch vụ công ích quận 4, cho biết theo quy định, NLĐ bị tai nạn giao thông trên đường đến nơi làm việc hoặc về nhà đều được xem là tai nạn lao động. Tuy nhiên, với trường hợp NLĐ tự té do ổ gà chẳng hạn thì việc lập biên bản xác minh quá khó khăn.

Bà Tuấn băn khoăn: "Do tính chất công việc nên công nhân vệ sinh thường đi làm khuya, khó kiếm người làm chứng. Gặp nạn xong thì họ lo đi cấp cứu chứ không thể ở lại chờ lập biên bản. Chưa kể, khi công nhân tự té, công an phường gần nhất cũng chỉ có thể xác nhận họ sinh sống ở địa phương và có đi trên tuyến đường đó thôi. Công an không chứng kiến tai nạn nên cũng chẳng dám xác nhận. Vậy là bó tay!".

Về vấn đề này, đại diện BHXH TP HCM cho biết cơ sở để xác định NLĐ bị tai nạn là xác nhận của công an. Nếu không có xác nhận này thì không có cơ sở giải quyết chế độ vì có những trường hợp sau khi làm, NLĐ đi việc riêng. Tuy nhiên, từng tình huống cụ thể sẽ có phương án cụ thể.

Rối trả sổ qua bưu điện

Trong khi đó, theo đại diện Công ty CP Dầu thực vật Tường An, cuối năm 2017, đơn vị này có làm hồ sơ đề nghị rà soát và trả sổ BHXH cho NLĐ. Đầu năm 2018, khi một số NLĐ nghỉ việc, công ty tiến hành chốt sổ và được BHXH trả lời là sổ đã gửi trả qua đường bưu điện. Khi công ty nhận thì thấy còn thiếu 30 sổ. Lúc này, công ty được hướng dẫn phải hỏi bưu điện nhưng khi hỏi bưu điện thì được chỉ ngược về BHXH. Chạy qua chạy lại, rốt cục công ty vẫn không biết 30 sổ này đang nằm ở đâu!

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết nhiều thắc mắc của DN, cơ quan BHXH cũng đã nhận thấy. Một mặt, BHXH TP đang áp dụng linh hoạt cho DN và NLĐ, một mặt kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để tháo gỡ.

Về những rắc rối quanh việc chuyển trả sổ BHXH qua đường bưu điện, bà Thu cho biết từ tháng 2-2018 trở về trước, BHXH TP thực hiện trả sổ cho NLĐ nhưng đến nay, việc này gần như bế tắc. Theo quy định của BHXH Việt Nam, sau khi rà soát, BHXH sẽ trả sổ cho NLĐ qua đường bưu điện. Tuy nhiên, có trường hợp đang rà soát thì NLĐ nghỉ việc; rồi tình trạng NLĐ thuê nhà ở, địa chỉ không ổn định nên rất khó trao tận tay.

"BHXH TP đang kiến nghị sửa đổi quy định này vì thực tế, việc giao hẳn sổ qua đường bưu điện làm phát sinh rất nhiều bất cập. BHXH TP sẽ linh hoạt xử lý, cụ thể là đóng gói gửi về DN và nhờ DN hỗ trợ trả lại sổ cho NLĐ" - bà Thu cho biết. 

Bài và ảnh: Bạch Đằng/NLD