Xử lý chênh lệch mức lương hưu với người nghỉ hưu trước và sau 1-1-2018
NLĐO)- Hạn chế trong quy định của Luật BHXH năm 2014 là đối với nam, việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình nhưng đối với nữ thì không theo lộ trình, dẫn đến tạo chênh lệch giữa mức hưởng lương hưu của lao động nữ có cùng thời gian đóng BHXH
Bộ LĐ-TB-XH vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ và tỉnh Tây Ninh về cách tính lương hưu đối với lao động nữ (LĐN), áp dụng theo quy định mới của Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu. Cụ thể: LĐN đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần đóng đủ 25 năm đóng BHXH); lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải có đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần đủ 30 năm đóng BHXH).
Theo ý kiến cử tri, việc thay đổi cách tính lương hưu mà không có lộ trình sẽ gây ảnh hưởng đến LĐN rất nhiều, nhất là đối với LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn. Do vậy, cử tri TP Cần Thơ và tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét điều chỉnh mức lương hưu của LĐN từ ngày 1-1-2018 sẽ thực hiện như quy định trước ngày 1-1-2018 (quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014), để phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo quyền lợi chính đáng của LĐN.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Luật BHXH năm 2014 quy định cách tính lương hưu đối với NLĐ nghỉ hưu từ 1-1-2018 trở đi có thay đổi so với cách tính lương hưu đối với NLĐ nghỉ hưu trước ngày 1-1-2018. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH đã chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tác động của sự thay đổi này.
Kết quả nghiên cứu, đánh giá cho thấy, công thức tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với nữ theo Luật BHXH năm 2014 không phải là mới, mà đã được thực hiện trong giai đoạn từ năm 1995-2002 theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ BHXH. Đồng thời, trong thời gian thực hiện Luật BHXH năm 2006 đến thời điểm Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, có trên 70% số người nghỉ hưu thực tế đã có trên 30 năm đóng BHXH đối với nam, trên 25 năm đối với nữ và đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, nên dự báo số người chịu tác động là không nhiều.
Mặt khác, đối tượng chịu tác động của quy định này chủ yếu là nhóm có thời gian đóng BHXH ngắn, do tham gia BHXH muộn hoặc đã hưởng BHXH một lần. Luật BHXH năm 2014 cũng đưa ra các giải pháp về hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần. Việc quy định điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 còn có ưu điểm là bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng- hưởng; tăng khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, bảo đảm công bằng hơn giữa các đối tượng tham gia BHXH (tỉ lệ hưởng lương hưu tính thêm cho mỗi năm đóng BHXH sau năm thứ 20 của nam và sau năm thứ 15 của nữ cùng là 2% so với quy định 2% đối với nam và 3% đối với nữ tại Luật BHXH năm 2006).
Tuy nhiên, hạn chế trong quy định của Luật BHXH năm 2014 là đối với nam thì việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình nhưng đối với nữ thì không.
Trước những vấn đề trên, Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại Báo cáo số 548/BC-CP ngày 21-11-2017 về xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật BHXH năm 2014.